Cẩn trọng với sinh tố, nước ép trái cây giá rẻ
01/06/2023
Đồ bỏ đi thành thức uống hảo hạng
Thời tiết oi bức khiến nhu cầu giải nhiệt gia tăng, các loại sinh tố, nước ép được không ít người ưa chuộng. Nếu như trước đây, chỉ có vài loại hoa quả được dùng ép là cam, bưởi, táo... thì nay hầu như trái cây gì cũng dùng để ép. Bởi, nhiều người cho rằng, những món đồ uống được chế biến từ hoa quả tươi sẽ ít độc hại hơn các loại thực phẩm đóng gói sẵn. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi những trái cây đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.
Thông thường, nước ép hoa quả nguyên chất bán tại các nhà hàng, quán cafe có giá từ 35.000 - 60.000 đồng/ly trở lên. Song, những ngày gần đây, người dân ở thành phố có thể mua các loại nước ép hoa quả nguyên chất tại khắp các chợ, con phố với giá chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/ly/chai tùy loại to nhỏ. Mỗi ngày, người buôn bán vắt và ép hết hàng tạ cà rốt, cam, dứa để bán cho khách, kiếm tiền triệu.
Tại một quán nước giải khát vỉa hè ở khu vực Quảng trường Lam Sơn, trên chiếc xe đẩy, hàng loạt các loại trái cây và củ thông thường, như: Cam, dứa, bưởi, cà rốt... được trưng rất “hoành tráng”. Đặt ngay bên cạnh là một thùng xốp nhỏ chứa nhiều chai nước ép sẵn không hề có nhãn mác, hạn sử dụng. Tôi gọi một chai nước ép dứa mang về. Người bán hàng mở nắp thùng xốp lấy ra một chai lavie màu vàng. Tôi yêu cầu ép ngay tại chỗ thì người bán hàng trả lời: “Ở đây chỉ có nước ép sẵn, cam 25.000 đồng/chai, dứa 15.000 đồng/chai...”. “Thế còn trái cây ở xe kia?” - tôi hỏi. Bà chủ quán chẳng chút giấu giếm: “Trưng cho đẹp, khách vào đông, uống tại chỗ mới dùng đến nó. Còn hầu hết khách mua mang đi đều bán nước ép sẵn”.
Đi tìm câu trả lời về xuất xứ của những chai nước ép siêu rẻ trên, chúng tôi đến chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa). 10 giờ tối, hàng chục chiếc xe tải chở hoa quả chen nhau vào chợ. Hoa quả ở đây chủ yếu được chở từ các tỉnh phía Nam ra và phía Bắc vào. Trong quá trình vận chuyển, việc hoa quả bị dập, nát là bình thường, nhất là với thời tiết nóng nực của mùa hè. Đây là nỗi lo của rất nhiều chủ buôn. Tuy nhiên hiện nay, hoa quả dập, nát lại là một món hàng “hót”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm Đông Hương, hoa quả được chia ra nhiều loại bán cho nhiều đối tượng. Trong đó có loại hoa quả dùng bán cho những người kinh doanh sinh tố, nước ép. Để tiết kiệm chi phí, họ thường chọn mua những loại hoa quả rẻ, có thể bị hư hỏng, bầm dập. Giá thành chỉ bằng 1/5 – 1/8 giá của hoa quả tươi. Các loại hoa quả này sau khi mua về sẽ được cắt bỏ những chỗ bị hỏng, dập nát trước khi cho vào tủ lạnh. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn xay luôn, bỏ sẵn trong tủ lạnh, khi nào có khách gọi đồ thì đem ra...
Trước một ki-ốt cách cổng chợ chừng 30m đã đóng cửa để nghỉ ngơi, có 3 người phụ nữ ngồi túm tụm để phân loại, cắt gọt đống hoa quả với đủ loại, như: Dưa hấu, mận, đào, cóc, cam, ổi, táo... Lân la đến hỏi chuyện, một phụ nữ tên Vân, 31 tuổi, huyện Quảng Xương, làm nghề bốc vác, chia sẻ: “Nghề chính của tôi là đêm đêm bốc vác thuê cho các chủ hàng hoa quả tại chợ. Thời gian gần đây, tôi tranh thủ nhặt nhạnh quả xấu, hỏng mà chủ hàng loại ra, sau đó phân loại, gọt bỏ phần không ăn được và bán lại cho những người có nhu cầu”.
Theo lời chị Vân, vài ba năm trước, hoa quả hỏng, dập vứt đầy chợ tha hồ nhặt. Bây giờ, nhiều người làm nghề như chị cũng muốn kiếm thêm đôi đồng nên tranh nhau nhặt, chỗ nào quả ngon thì tranh nhau mua.
“Nhiều khi, tôi cũng phải đặt trước với các chủ hàng nhờ họ để dành cho mình. Giá cả cũng tùy hỏng ít hay hỏng nhiều. Thường chúng tôi hay mua theo “đống”, “mớ”, có “mớ” chỉ 10.000 - 20.000 đồng, chỗ nào “hàng loại 1” (hỏng ít) thì đến 50.000 đồng là nhiều. Về mình khéo cắt gọt, bỏ phần hỏng đi để bán. Như vậy mỗi ngày cũng kiếm đủ được tiền sinh hoạt”, chị Vân tiết lộ.
Nhìn chỗ hoa quả chị Vân cùng mấy người khác đang hì hục cắt gọt, tất cả đều là hàng đã hỏng, không thối đầu thì thối thân. Có nhiều quả hỏng gần hết, như: Bơ, xoài... nhưng vẫn được tận dụng. “Nhìn như vậy thôi nhưng loại quả này đắt hàng lắm. Chẳng hôm nào ế cả. Ngon thì giá cao, không ngon thì giá thấp. Quả hỏng, xấu cỡ nào cũng có người mua hết”, chị Vân cho biết.
Không chỉ quán vỉa hè dùng hoa quả hỏng, dập làm sinh tố, nước ép mà các quán cafe “sang chảnh” cũng tận dụng triệt để loại thực phẩm không đảm bảo này. Theo Ngọc Minh, nhân viên tại một quán cafe trên đường Đông Hương, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, các chủ quán thường nhập một nửa hoa quả loại ngon, một nửa hoa quả loại hết đát (dập nát) về để độn lẫn vào nhau. “Một ly nước ép táo bán khoảng 30.000 đồng, còn giá táo bán ngoài chợ cũng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Ép được một ly nước táo nguyên chất hết hơn nửa kg. Dùng táo xịn thì lấy đâu ra lời lãi?” - Trang bảo, chế biến lẫn lộn với nhau khách hàng không thể phát hiện ra. Ví như nước ép dứa, dưa hấu, bưởi, sinh tố xoài... xay ra và cho thêm hương liệu tạo mùi là thơm ngon hết. Còn táo, lê, mận..., dập nát cắt đi lấy chỗ ăn được để làm món hoa quả dầm.
Mặc dù dùng trái cây không tươi để chế biến, nhưng những ly sinh tố bình dân vẫn rất bắt mắt. Giải đáp thắc mắc này, Ngọc Minh cho biết, trái cây chỉ là một phần để tạo nên ly sinh tố, ngoài ra còn có phụ liệu khác, như: Siro, sữa, đường. Pha sinh tố loại nào thì sẽ thêm vào siro loại trái cây đó, đảm bảo có hương vị thơm ngon. Siro có nhiều xuất xứ, ví dụ như siro Monin các vị của Pháp có giá khoảng 220.000 đồng/chai 70ml, loại này được sử dụng ở các quán cafe sang trọng. Còn có nhiều loại siro giá rất rẻ, chưa đến 10.000 đồng đã có thể mua một chai 650ml hàng Trung Quốc. Các quán vỉa hè bán cho sinh viên, học sinh thường sử dụng loại này. “Thường thì khi sử dụng những loại siro này để pha vào nước ép hoặc sinh tố trái cây thì đã đủ độ ngọt nên chủ quán cũng sẽ tiết kiệm thêm chi phí mua đường và sữa đặc”, Ngọc Minh cho biết thêm.
Nguy hại khôn lường
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Biên Cương, Bệnh viện 108 (Hà Nội), nói: “Quy trình ép, pha chế nước trái cây không phải ai cũng được thấy, vì lợi nhuận mà họ sử dụng trái cây để lâu ngày hư hỏng. Dù là trái cây tươi ngon, đảm bảo an toàn nhưng môi trường không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc sau khi uống. Đó là chưa kể bảo quản không đúng cách, để lâu ngày khi uống dễ mắc nhiều bệnh về tiêu hóa. Trái cây có nhiều nước, chất xơ, vitamin, chất chống ôxy hóa cao... Tuy nhiên, nhiều loại chỉ cung cấp đầy đủ các thành phần cho cơ thể khi ăn, còn khi đã cắt, ngâm nước một thời gian mới ép thì chỉ giữ được một hàm lượng rất nhỏ các thành phần có trong trái cây. Chưa kể, máy ép trái cây nếu không được rửa sạch, xử lý kỹ là môi trường sinh ra nấm, vi sinh nguy hiểm cho đường ruột”.
Để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là thời điểm phát sinh nhiều dịch bệnh do thời tiết nắng nóng, bác sĩ Cương lưu ý người dân nên thực hiện việc ép trái cây tại nhà. Nước ép ra nên cho vào chai thủy tinh đã tiệt trùng kỹ, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và không nên để quá 24 giờ.
Ngoài khả năng có thể gây ra ngộ độc, nhiều chuyên gia về thực phẩm còn lo ngại các nguyên liệu pha chế thêm, như: Siro, thạch có thể sử dụng phẩm màu hóa học. Nếu dùng lâu dài có thể gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Bác sĩ Cương nhận định: “Tất cả những loại hóa chất, phẩm màu công nghiệp đều gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, các chất này có khả năng gây ngộ độc, thậm chí là ung thư cho người sử dụng. Ngoài ra, chúng còn có thể gây chứng chậm phát triển trí não, làm nghiêm trọng hơn chứng bệnh tăng hiếu động ở trẻ em hoặc biểu hiện bất thường về hành vi, một số loại có thể gây dị ứng. Nếu con người sử dụng thường xuyên, liều cao loại phẩm màu công nghiệp, lâu dài sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, suy gan, suy thận, thậm chí là gây ung thư”.
Đôi khi tôi tự hỏi, chúng ta ai cũng biết thực phẩm đường phố có nguy cơ mất an toàn cao, tại sao người kinh doanh vẫn bán được hàng? Vấn đề là, có cầu ắt có cung, không ít người ăn uống thực phẩm đường phố với tâm lý, có chết ngay đâu mà sợ. Chính vì vậy giải pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố chính là ý thức và hành động của mỗi người.